Counter
Counter
Khao khát tự do, nhiều người sử dụng Internet ở Trung Quốc ủng hộ Google

'Tạm biệt Google. Người ta có thể dựng lên một bức tường, nhưng không thể chia rẽ trái tim của mọi người. Chúng tôi muốn nhìn thấy phía bên kia của bức tường''. Một người vô danh đã viết như trên trong một bức thư ủng hộ công ty Google.

Đây không phải là suy nghĩ riêng lẻ, bởi vì trong hai ngày qua, kể từ khi Google doạ rút khỏi thị trường Trung Quốc, rất nhiều người sử dụng Internet ở nước này đã bày tỏ cảm tình của họ đối với công cụ tìm kiếm nổi tiếng của Mỹ.

Một số người đến tận trụ sở của Google ở Bắc Kinh để bày tỏ sự ủng hộ, kẻ thì đặt một giỏ trái cây, người thì đặt một lẵng hoa, có người để lại một chai rượu. Giống như là đồ cúng cho Google. Tại đây, người ta cũng thấy một mảnh giấy, trên đó có ghi một chữ duy nhất bằng tiếng Anh và tiếng Hoa : '' Tự do? ''.

Như để đáp lại lòng khao khát tự do ấy, từ hôm qua (13/1), trên phiên bản tiếng Hoa của công cụ tìm kiếm, Google đã đăng bức ảnh chụp thanh niên một mình dũng cảm đứng chặn đoàn xe tăng đến đàn áp cuộc biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989. Bức ảnh này nổi tiếng cả thế giới, nhưng do bị kiểm duyệt, nên người dân Trung Quốc trong nước ít ai biết đến.

Hơn hai mươi năm sau khi phong trào biểu tình đòi dân chủ bị dìm trong biển máu, sự kiện Thiên An Môn vẫn là chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc và trong nước, không ai có thể truy cập những thông tin về sự kiện này, do bị chặn bởi bức tường lửa.

Không chỉ Thiên An Môn, hôm qua, trên công cụ tìm kiếm Google, phiên bản tiếng Hoa, nhiều chủ đề cấm kỵ khác đã không còn bị kiểm duyệt, như những thông tin về Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc về giáo phái Pháp Luân Công.

Chỉ trong hai ngày, Google, mà trước đây phải chấp nhận những điều kiện về kiểm duyệt để vào được thị trường Trung Quốc, bỗng trở thành người hùng của cuộc đấu tranh cho tự do và khi bày tỏ sự ủng hộ đối với công ty Mỹ, nhiều người sử dụng Internet ở Trung Quốc đã chỉ trích chính phủ Bắc Kinh.

Thật vậy, trong một chế độ mà toàn bộ báo chí nằm trong tay Nhà nước, Internet ngày càng trở thành một phương tiện hữu hiệu để bày tỏ những bất mãn, gieo mầm cho các hành động phản kháng. Nhưng cùng lúc, chính quyền Bắc Kinh cũng gia tăng kiểm soát mạng thông tin này.

Counter
Counter
Cảnh sát Việt Nam ngăn chặn ký giả tới Giáo xứ Ðồng Chiêm

Cảnh sát Việt Nam ngăn không cho các ký giả của hãng thông tấn Pháp tới một giáo xứ ở Hà Nội, nơi có một số tín đồ Công giáo bị thương trong lúc cảnh sát dùi cui điện và hơi cay để giải tán những người phản đối việc triệt hạ Thánh Giá trên núi.

Tường thuật hôm thứ 6 của AFP cho hay các phóng viên của họ đã bị công an ngăn chận trong lúc tìm cách đến Giáo xứ Đồng Chiêm ở quận Mỹ Đức. Các viên chức công an di trú mặc thường phục nói rằng “đây là lệnh đặc biệt” và người ngoài không được phép vào khu vực mà họ nói là đã xảy ra “một vụ tranh chấp đất đai”.

Theo lời Linh mục Nguyễn Văn Hữu, chánh xứ Đồng Chiêm, và thông báo ngày 7 tháng 1 của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, vụ rối loạn bùng ra khoảng 2 giờ sáng ngày 6 tháng 1 khi giáo dân tìm cách ngăn không cho hàng trăm người thuộc các lực lượng vũ trang của chính quyền triệt hạ và đập phá Thánh Giá bằng bê tông trên Núi Chẽ.

Linh mục Nguyễn Văn Hữu cho biết trong số giáo dân bị thương có hai người bị thương nặng vẫn còn nằm bệnh viện để điều trị. Vị linh mục này nói thêm rằng Thánh Giá bằng bê tông được dựng lên hồi năm ngoái để thay cho Thánh Gía bằng gỗ đã bị hư haị nhiều năm trước trong thời chiến tranh.

Chính quyền địa phương cho rằng Thánh Giá này dựng lên trái phép trên đất do nhà nước quản lý. Tuy nhiên, Linh mục Nguyễn Văn Hữu và Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội nói rằng Núi Thờ, còn gọi là Núi Chẽ, nằm cạnh nhà thờ Đồng Chiêm luôn thuộc quyền sử dụng của giáo xứ Đồng Chiêm kể từ ngày thành lập giáo xứ hơn 100 năm nay.

Vụ rối loạn ở Đồng Chiêm là vụ việc mới nhất trong một loạt những vụ căng thẳng giữa Giáo hội Công giáo và chính phủ Việt Nam từ cuối năm 2007, khi các tín đồ Công giáo bắt đầu thực hiện những cuộc biểu tình qui mô lớn để phản đối việc đất đai bị chính quyền tịch thu.

Counter
Counter
Tu sinh Làng Mai bắt đầu hoạt động chui

Những tăng sinh tu tập Pháp môn Làng Mai của Thiền sư Nhất Hạnh tại Việt Nam cho biết họ đã bắt đầu hoạt động chui sau khi bị buộc phải rời khỏi nơi tá túc tại chùa Phước Huệ ở tỉnh Lâm Đồng hồi cuối năm 2009.

Tường thuật hôm thứ tư của hãng thông tấn Pháp trích lời một sư ni dấu tên nói rằng các tăng thân Làng Mai khó lòng cảm thấy an toàn trên chính đất nước của mình. Sư ni này cho biết cô là một trong những người sau cùng rời khỏi chùa Phước Huệ trước thời hạn chót là ngày 31 tháng 12. Sau đó, cô đã thuê nhà ở chung với một số tăng thân khác, nhưng rồi lại phải dọn đi nơi khác vì có công an chìm thường xuyên theo dõi.

Vị sư ni trẻ tuổi này nói thêm rằng có nhiều tu viện ở Việt Nam muốn bảo trợ cho tăng thân Làng Mai nhưng chính quyền không cho phép.

Một sư ni khác, cũng không muốn tiết lộ danh tánh và nơi ở, cho hãng thông tấn Pháp biết rằng tăng đoàn đã tản mác khắp nơi và cô là một trong những người quay về với gia đình. Cô nói rằng cô không trốn tránh nhưng không muốn cho nhiều người biết cô đang ở đâu.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng khoảng 200 tăng sinh Làng Mai đến tá túc ở chùa Phước Huệ nằm trong số khoảng 400 tăng sinh bị trục xuất khỏi Tu Viện Bát Nhã hồi tháng 9.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng vụ trục xuất này được thực hiện dưới áp lực của chính quyền Việt Nam. Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và Nghị viện Âu châu đã bày tỏ quan tâm sâu sắc về việc này. Tuy nhiên, một phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố hồi tháng 10 rằng đây chỉ là một vụ tranh chấp trong nội bộ Phật giáo.

Hạ tuần tháng 12 vừa qua, Thiền Sư Nhất Hạnh đã từ Pháp viết thư cho các tăng sinh ở Việt Nam. Trong thư, vị thiền sư nổi tiếng thế giới này đã ca ngợi tinh thần từ hòa bất bạo động của các tăng sinh Bát Nhã trong lúc bị đàn áp.

Ông nói thêm rằng “muốn có dân chủ và nhân quyền người dân phải biết tranh đấu, và cuộc tranh đấu có thể phải kéo dài trong nhiều thập niên.” Ông cũng khuyên các tăng thân là với tư cách của những người tu hành các tăng thân Làng Mai không tham gia các phong trào tranh đấu chính trị mà chỉ tranh đấu trong phạm vi văn hóa và đạo đức.

Counter